Nước muối tự pha tại nhà khó định lượng tỷ lệ nước, muối sạch; nên dùng nước muối sinh lý 0,9% súc họng đúng cách trong thời dịch.
Súc họng bằng nước muối hỗ trợ bảo vệ đường hô hấp
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I TP HCM, cho biết, mũi và họng là con đường lây nhiễm của nCoV. Nhiều người cho rằng, thường xuyên súc họng, rửa mũi bằng nước muối có thể phòng ngừa nhiễm Covid-19. Song chưa có đủ bằng chứng chứng minh cách này giúp chống lại hoặc chữa khỏi Covid-19.
Súc miệng bằng nước muối góp phần khắc phục các triệu chứng của cảm lạnh thông thường, giảm nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp, hỗ trợ giảm triệu chứng đau họng, giảm vướng họng, cân bằng trạng thái pH của niêm mạc và lớp chất nhầy trên bề mặt niêm mạc họng. Nhờ vào tác dụng kiềm hóa, nước muối làm tăng độ pH trong miệng giúp ngăn chặn sự tăng sinh của vi khuẩn.
Bác sĩ Khanh chia sẻ thêm, nhiều người quan niệm pha nước muối súc họng càng mặn thì tính sát trùng, sát khuẩn sẽ càng cao nên đã pha rất mặn để súc miệng hàng ngày. Tuy nhiên việc làm này lại vô tình gây tổn thương niêm mạc vùng họng khiến họng khô rát, thậm chí trầy xước, chảy máu. Chỉ nên súc họng 2-3 lần một ngày, nên dùng nước muối sinh lý 0,9% có bán sẵn tại các hiệu thuốc để đúng nồng độ đẳng trương và tiện lợi hơn.
“Trước khi nCoV xâm nhập xuống phổi và gây ra các biến chứng nguy hiểm thì phải đi qua vùng mũi họng, sinh sôi ở vùng hầu họng. Sau một thời gian ủ bệnh, virus mới di chuyển xuống đường hô hấp dưới là phế quản phổi. Nếu bảo vệ tốt “chốt chặn” đầu tiên này bằng cách vệ sinh mũi, súc họng sát khuẩn sẽ hỗ trợ phòng bệnh tốt hơn”, bác sĩ Khanh nói thêm.
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khuyến cáo, súc họng và súc miệng hoàn toàn khác nhau. Nhiều người chỉ vệ sinh miệng chứ chưa vệ sinh họng. Súc họng là để dung dịch nước muối xuống tận sâu cổ họng và khò ngược lên, làm như vậy mới có tác dụng rửa sạch vùng họng. Cần làm ít nhất 30 giây mỗi lần súc họng.
Công dụng của các loại nước muối
Bác sĩ Thúy Hằng chia sẻ thêm, hiện nay trên thị trường có một số loại nước muối (hay dung dịch NaCl natri chloride) với thành phần và công dụng khác nhau.
Nước muối sinh lý: dung dịch nước muối được pha chế với tỷ lệ NaCl tinh khiết/ nước cất là 0,9% (tức trong một lít nước cất có 9 gram natri chloride tinh khiết). Loại nước muối này có thể sử dụng hàng ngày.
Nước muối ưu trương: dung dịch nước muối có tỷ lệ NaCl tinh khiết/ nước cất cao hơn 0,9%. Nồng độ NaCl càng cao thì dung dịch càng ưu trương. Bác sĩ Thúy Hằng dẫn nghiên cứu của các chuyên gia châu Âu cho thấy, nồng độ muối cao hơn (1,5%) có khả năng ức chế nCoV và rất nhiều virus khác. Trước khi sử dụng loại nước muối này, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Nước muối nhược trương: dung dịch nước muối có tỷ lệ NaCl tinh khiết/ nước cất thấp hơn 0,9%. Nồng độ NaCl càng thấp thì dung dịch càng nhược trương. Loại này ít được dùng để rửa mũi, thường kết hợp acid hyaluronic làm tăng cường khả năng giữ ẩm cho niêm mạc mũi, dùng được cho trẻ nhỏ.
Theo bác sĩ Thúy Hằng, nước muối tự pha tại nhà rất khó để định lượng tỷ lệ nước với muối sạch (muối hạt, muối tinh luyện…) nên cần phải hết sức chú ý. Nếu nước muối quá mặn (ưu trương) có thể gây viêm loét niêm mạc hầu họng và ảnh hưởng không tốt đến người bị tăng huyết áp, bệnh thận. Nếu nước muối quá nhạt (nhược trương) sẽ ít có tác dụng sát khuẩn và trung hòa độ pH, nên khi dùng gần như không mang đến hiệu quả.
Bạn có thể súc họng nước muối trước và sau khi ra ngoài hoặc ngay sau khi tiếp xúc với người khác. Bên cạnh đó, tuân thủ nguyên tắc 5K và xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, vận động thường xuyên để nâng cao sức đề kháng phòng bệnh rất cần thiết.