Vậy nước muối ưu trương là gì ?
Nước muối ưu trương: dung dịch nước muối có tỷ lệ NaCl tinh khiết/ nước cất cao hơn 0,9%. Nồng độ NaCl càng cao thì dung dịch càng ưu trương. Nước muối ưu trương 1.5% là dung dịch nước với muối với tỷ lệ pha 1.5%.
Ứng dụng nước muối 1,5% cho phòng dịch COVID-19 là cách tiếp cận có cơ sở khoa học. Với nguyên liệu sẵn có và quy trình đơn giản, chắc chắn đây là một biện pháp thực hành rẻ tiền, giúp mỗi người dân tự phòng bệnh hiệu quả. Đồng thời, kết hợp với việc thực hiện nghiêm đeo khẩu trang và khử trùng tay, giải pháp này cũng dễ dàng triển rộng ở các đơn vị, cơ quan đông người, giúp duy trì nguồn nhân lực, hoạt động kinh doanh- sản xuất vượt qua đại dịch.
Trong công tác phòng chống và điều trị COVID-19 ở nước ta thời gian qua, đã có những kinh nghiệm quý trong việc kết hợp giữa y học hiện đại và y học truyền thống. Điển hình là cách sử dụng nước muối pha nhạt súc miệng hằng ngày nhằm hỗ trợ lây nhiễm chéo tại Bắc Giang đã giúp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bênh. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Thành Đồng, một nhà khoa học đang làm việc tại Trung tâm UniCre, Cộng hòa Czech, về cơ sở khoa học và công dụng của nước muối ưu trương trong hỗ trợ phòng chống COVID-19.
Một số thông tin cơ sở về dịch COVID-19 và hướng tiếp cận giải quyết
Vaccine là giải pháp cơ bản sẽ giải quyết triệt để đại dịch COVID-19 nhưng trong khi chờ và triển khai vaccine thì việc phòng bệnh, giảm thiểu số người lây sẽ giúp ổn định xã hội và giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế của Việt Nam.
Nếu coi sự lây nhiễm SARS-CoV-2 (COVID-19) trong cộng đồng là chuỗi các mắt xích mà mỗi cá nhân là một mắt xích thì để khống chế dịch bệnh hiệu quả, việc mỗi cá nhân tự bảo vệ mình thành công, không biến mình thành một nguồn lây cũng chính là góp phần bảo vệ cả cộng đồng.
Do virus biến đổi không ngừng và xuất hiện nhiều biến thể, nếu tập trung phân tích mổ sẻ chi tiết mà chưa kịp đưa ra giải pháp hiệu quả sẽ không đạt được mục tiêu cuối cùng là phòng và khống chế dịch. Cho nên, trong các trường hợp như vậy, sẽ là hợp lý nếu chúng ta sử dụng hướng tiếp cận tổng quát để giải quyết vấn đề. Trên cơ sở trừu tượng hóa đối tượng COVID-19, chỉ giữ lại các đặc tính cơ bản của chúng, tìm điểm yếu và đưa ra các giải pháp hữu hiệu. Với sự trợ giúp của các phương tiện phân tích hóa sinh hiện đại và nghiên cứu ống nghiệm in-vitro, đã cung cấp các thông tin về thuộc tính cơ bản của COVID-19, làm cơ sở vững chắc cho cách tiếp cận giải quyết vấn trên. Tới nay, còn nhiều câu hỏi về COVID-19 mà các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên, qua tổng kết một lượng lớn các công bố khoa học mới nhất có thể rút ra mấy điểm chính về COVID-19, ngắn gọn như sau: “Tuy dễ lây, nhưng chỉ cần các biến đổi nhỏ ở vỏ và gai bởi các tác nhân hóa học hay vật lý thông thường là có thể vô hiệu hóa COVID-19”.
Mũi và họng là đường lây nhiễm chính của COVID-19
Có thể thấy rằng Mũi – Họng là con đường lây nhiễm chính vì đó là nơi tiếp nhận và lan tỏa để virus xâm nhập sâu vào cơ thể. Thực tế xét nghiệm ở các vùng dịch trên thế giới cho thấy tải lượng virus COVID-19 ở mũi các bệnh nhân mới nhiễm luôn cao hơn họng.
Một nguyên tắc luôn đúng khi xử lý ô nhiễm/ lây nhiễm là phải “giảm tải lượng nhanh nhất có thể”. Ở đây là làm giảm số lượng virus xâm nhập (viral load) đến một mức nhất định, chắc chắn các virus sẽ không thể “đủ mạnh” để tiếp cận tấn công các tế bào tiếp nhận, hoạt hóa và làm cơ thể lành nhiễm bệnh.
Do đó, để chặn đứng được đà lây lan của COVID-19 trên diện rộng trước khi có đủ vaccine thì việc triển khai các biện pháp để mỗi cá nhân tự làm sạch cả mũi và họng hằng ngày bằng nước muối hay các dung dịch sát khuẩn khác sẽ là điểm quan trọng góp phần giải quyết vấn đề.
Giải pháp ứng dụng nước muối 1,5%
Nước muối ưu trương có thể tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh có cấu tạo tế bào nhờ cơ chế “rút nước” của các tế bào này, làm cho chúng “teo tóp” bất hoạt.
Các kết quả nghiên cứu mới đây (2018-2021) đã chỉ ra nước muối còn có tác dụng nhiều hơn thế. Nhóm tác giả S. Ramalingam, đăng trên tạp chí uy tín Nature, đã chứng minh rõ là: Khi ta chủ động cung cấp cho các tế bào vùng dễ bị lây nhiễm là mũi và họng một lượng muối bằng cách „nhỏ, rửa, súc“ thường xuyên nước muối, thì các tế bào vùng được tiếp xúc với muối sẽ tiếp nhận thêm một lượng muối NaCl bên ngoài. Sau đó, nhờ cơ chế hóa sinh của mỗi tế bào, ion Cl- sẽ kết hợp với hydrogen peroxide (H2O2) và chuyển hóa thành HOCl nội bào, thành phần của chất diệt khuẩn Javen, có tính chất oxi hóa rất mạnh chống lại DNA, RNA của các virus có vỏ và không vỏ. Với cơ chế tiêu diệt virus phổ rộng dựa trên tính oxi hóa mạnh của HOCl thì các chủng mới SARS-CoV-2 (COVID-19) và các biến thể cũng sẽ bị vô hiệu hóa bởi cơ chế tương tự. Cơ chế này có thể biến một tế bào thường thành một tế bào có tính miễn dịch tự nhiên trước sự xâm nhập COVID-19.
Súc họng rửa mũi (SHRM) bằng nước muối ưu trương 1,5% không chỉ tạo ra môi trường không thuận lợi, ức chế hoạt động của COVID-19 lưu trú mà còn làm mũi và họng tăng tiết chất nhầy làm dày lớp này lên, cản trở virus tiếp cận các tế bào nhận và bị đào thải chúng ra ngoài cùng dịch nhầy của mũi, họng.
Trên cơ sở các thông tin trên, việc SHRM bằng nước muối ưu trương 1,5% là bước rất quan trọng cần được mỗi cá nhân thực hiện đồng thời: 3 lần/ngày và liên tục cho đến khi được tiêm vaccine đầy đủ.
Dùng súc họng, rửa mũi mỗi ngày ít nhất 3 đợt: sáng, trưa, chiều tối (trước khi đi làm về).Súc họng: Khi súc, cần để dung dịch nước muối xuống sâu nhất vùng cổ họng chứ không chỉ ở khoang miệng trên. Làm 3 lần mỗi đợt. Trong quá trình này, lực của dòng nước muối xáo trộn sẽ tách các virus vừa xâm nhập khỏi bề mặt họng, loại ra ngoài cơ thể. Dùng súc họng, rửa mũi mỗi ngày ít nhất 3 đợt: sáng, trưa, chiều tối (trước khi đi làm về).
Rửa mũi: Có thể dùng dung dịch muối 1,5% để nhỏ mũi, bóp nhẹ hai bên cánh mũi sau đó xì ra giấy hoặc khăn cá nhân ngay. Lặp lại việc nhỏ – xì mũi 3 lần mỗi đợt. Khăn hoặc giấy dùng xong cần bỏ đúng nơi quy định.
Để triển khai được nhanh và đảm bảo, có thể đề xuất cho các công ty dược phẩm trong cả nước sản xuất đồng loạt, giá rẻ dòng sản phẩm nước muối ưu trương 1,5% chuyên dùng cho rửa mũi đưa ra thị trường để mọi người dân và các cơ quan có thể tự trang bị.
Một số hỏi đáp liên quan
-
Nồng độ muối 1,5% có cao và gây tổn thương mũi họng không ?
Nồng độ này rất phù hợp vừa đủ để ức chế COVID-19, đảm bảo dùng lâu dài mà không có các phản ứng phụ. Như ta biết, nồng độ muối trung bình của nước biển là 3,5%. Các công ty dược phẩm trên thế giới từ lâu đã thương mại hóa rộng rãi các sản phẩm nước muối NaCl có nồng độ từ 0,9% đến 3%. Nên nồng độ 1,5% nằm trong khoảng này và là nồng độ an toàn, có thể yên tâm dùng. Có một số sản phẩm châu, Mỹ còn dùng nồng độ tới 7%. Do đó, chỉ tiêu nồng độ không quá khắt khe trong trường hợp này, có thể linh động trong một khoảng an toàn rộng. Người dân có thể tự pha được tại chỗ để sử dụng ngay với cách thức là: 1 lít nước pha với 15 g muối (tương đương 1 thìa cà phê muối tinh đầy pha trong 1 lít nước sạch). Dung dịch này được sử dụng chung cho súc họng và rửa mũi. Mỗi đơn vị, doanh nghiệp có thể ứng dụng pha nước muối với thể tích lớn hơn để dùng cho toàn bộ nhân viên trong đơn vị mình (VD: 3 lạng muối + 20 lít nước sạch, hoặc lớn hơn là 1,5kg/100 lít). Mỗi người nên tiến hành rửa mũi, súc họng 3 lần/ngày, nhất là trước khi từ nơi làm việc về nhà.
-
Cách pha muối này có đảm bảo vệ sinh không ?
Cách pha trên sử dụng nguồn nước ăn uống sạch (đã qua máy lọc hoặc đã đun sôi tiệt trùng). Các dụng cụ chứa được tráng rửa cẩn thận. Muối sử dụng là muối tinh đã loại bỏ tạp chất. Thùng nước muối sẽ được nắp kín, khóa đề phòng việc nhiễm bẩn tạp chất.
Nước muối trên sử dụng cho mũi và họng là hai vị trí có niêm mạc không quá nhạy cảm như ở mắt nên rất an toàn. Với nồng độ như trên và cách vệ sinh phù hợp chắc chắn dung dịch này không gây phản ứng phụ.
-
Việc pha và phân phát nước muối 1,5% có thể gặp khó khăn khi triển khai ở cơ sở không?
Nếu chúng ta có cách tổ chức triển khai tốt thì giải pháp trên sẽ hoàn toàn khả thi. Nếu cần, có thể triển khai thí điểm ở một vài nhà máy nhỏ (100 – 200 công nhân) để rút kinh nghiệm, sau đó mới triển khai rộng.
Việc pha nước muối ở thể tích lớn sẽ dùng lượng muối lớn, do đó có thể dễ dàng dùng loại cân thông thường, không cần loại “tiểu ly điện tử” như pha cho cá nhân. Trong mỗi đơn vị, có thể giao cho nhân viên Y tế hay cấp dưỡng phụ trách triển khai đều đặn.
Ví dụ: Một nhà máy/đơn vị quân đội có thể chuẩn bị các thùng nhựa nước sạch 100 lít, đổ 1,5 cân muối tinh vào, khuấy đều, chia ra các bình 20 lít để CBNV dùng. Mỗi người dùng 2 ngày hết 1 chai 0,5 lít.